Header Ads

test

Không đám cưới vẫn trọn đời bên nhau

Khi nhận chức vụ mới, Tiểu đoàn trưởng Đặng Kinh xin ngay cấp trên cho giải tán tổ quân y chỉ vì
tổ ấy toàn là… nữ. Thế nhưng, nhân duyên đến với ông khi vô tình gặp lại cô y tá ở tiểu đoàn cũ ấy.
Gần 30 tuổi vẫn tránh phụ nữ

Trung tướng Đặng Kinh (tên thật là Đặng Văn Rợp, sinh năm 1922 ở Bắc Sơn, An Lão, Hải Phòng) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, suốt cả thời thơ ấu không được một ngày đến trường. Mười một tuổi, ông đã phải làm phu mỏ đội than ở Quảng Ninh. Mười lăm tuổi, ông trở thành người liên lạc của nhà cách mạng Tô Hiệu (Bí thư Khu ủy B bao gồm Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và vùng mỏ thuộc khu B). Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ông đã khiến quân Pháp khiếp sợ suốt một vùng tả ngạn sông Hồng với những chiến công lừng lẫy, tạo nên “sấm đường 5”. Ông cũnglà nguyên Bí thư khu ủy Quân khu Tả Ngạn, Tư lệnh Quân khu 3, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Vợ chồng tướng Đặng Kinh. 

Thế nhưng ít ai biết rằng, vị tướng ấy lại là người nhút nhát trước phái nữ. Ông tâm sự: “Cho đến tận năm gần 30 tuổi tôi vẫn không thích và chưa bao giờ để ý đến... phụ nữ. Cũng vì thế mà khi làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn An Thụy, tôi còn xin cấp trên cho giải tán tổ quân y chỉ vì tổ ấy toàn là... nữ. Gần 30 tuổi nhưng cũng chẳng dám nghĩ gì đến việc lập gia đình hay yêu thương ai”.
Giải thích cho điều ấy, ông cười: “Cô gái Lê Huyền (sau là vợ ông-PV) làm y tá ở Tiểu đoàn An Thụy của tôi khi ấy mới 15 tuổi. Bấy giờ tôi vẫn chưa hề có ấn tượng hay mảy may để ý một chút gì đến cô ấy cả. Cả tuổi trẻ của tôi chỉ dành cho quân đội, thậm chí tránh gặp phụ nữ. Anh em đồng đội thấy vậy còn hoài nghi tôi có vấn đề gì mà “sao ghét phụ nữ đến thế?”. Thật ra, lúc ấy chiến đấu ác liệt, tôi ngại cán bộ chiến sĩ nam, nữ “dòm ngó” nhau, phức tạp và mất thời gian lắm. Với lại bấy giờ địch – ta xen kẽ, sống nay chết mai, cánh phụ nữ chân yếu tay mềm, tôi sợ và không muốn họ... chết oan”.

Nhưng tính nhút nhát mất đi khi nhân duyên sắp đặt ông gặp lại người “đồng đội cũ” Lê Huyền. Khi ấy ông đã 30 tuổi, là cán bộ đi họp; còn bà mới 19 tuổi, đi học lớp “tổng phản công”. Gặp lại cấp dưới, ông cũng chỉ chuyện trò bình thường như với rất nhiều đồng đội khác, song đó là lần đầu tiên ông mạnh dạn nói chuyện riêng với một người con gái.

Cuộc gặp nào cũng đến lúc chia tay, từ Nho Quan, nhóm của bà đi theo hướng Hải Dương - Quảng Ninh - Hải Phòng, còn nhóm của ông lại đi hướng Thái Bình - Hải Phòng. Thế nhưng, nhóm của ông không đi được vì gặp địch. Ông kể: “Ngay buổi đêm, tôi và cậu liên lạc trong nhóm phải đạp xe ngược trở lại theo hướng nhóm của bà ấy. Thế rồi, hai nhóm gặp nhau ở Đông Triều (Quảng Ninh). Tới dãy Yên Tử, cả đoàn gặp Thành ủy Hải Phòng đang tránh bom. Biết tôi và bà ấy cùng hát hay nên mọi người yêu cầu biểu diễn văn nghệ. Đứng lên cùng hòa chung điệu hát, tôi “say” bà ấy lúc nào không hay”. Khoảng thời gian ấy cũng khiến lòng người con gái Lê Huyền rung lên những cảm xúc rất lạ lùng. Còn cuộc sống của người lính Đặng Kinh lại như được thổi thêm luồng gió mới sau lần được trò chuyện cùng người nữ đồng đội.

“Có lẽ đấy là cuộc nói chuyện dài nhất cuộc đời tôi. Sau đó, chúng tôi có giữ liên lạc với nhau. Một hôm hai người cùng đi chơi, dừng chân trên một mỏm đá, tôi hỏi: Tôi chỉ là anh công nhân thôi. Tôi nhiều tuổi hơn cô mà lại chưa có vợ, cô cũng chưa có chồng, vậy ta tìm hiểu đặt vấn đề xây dựng với nhau có được không? Tôi biết là bà ấy có cảm tình với tôi từ lúc diễn văn nghệ nên tôi mới dạn thế đấy” - Tướng Kinh cười - “Bà ấy không trả lời, chỉ ngồi thừ ra một lúc rồi đứng dậy đi. Tôi cũng đứng dậy, im lặng đi theo, chỉ mong rằng bà ấy đồng ý”.

Một buổi tối, cậu liên lạc mang đến cho ông một mảnh viết nhỏ: “Anh Kinh yêu! Tôi vào trong địch hậu thế này khó khăn lắm, không biết là có nên tính hợp pháp chuyện gia đình ở Hải Phòng hay không?”. “Tôi mừng lắm. Khi đi họp Thường vụ, tôi mới trình bày rằng: “Tôi và cô Huyền yêu nhau, xin Thường vụ duyệt cho chúng tôi được xây dựng”. Rồi tôi thông báo với bà ấy rằng: “Tôi đã đề nghị và Thường vụ đồng ý cho hai ta xây dựng”. Chúng tôi về sống với nhau cũng không tổ chức gì. Đấy, việc xây dựng gia đình thời chiến chỉ đơn giản thế thôi”, ông kể.

                                             Ở tuổi 91, tướng Đặng Kinh vẫn rất tinh anh.  
Giấu vợ, một mình chịu nỗi đau

Sau ngày được Thường vụ đồng ý, ông lại lao vào công tác chuẩn bị  chiến đấu. Những tháng ngày gần gũi bên nhau của vợ chồng chỉ đếm được trên đầu ngón tay… Ông được cử đi học quân sự ở Trung Quốc. Về nước, ông tham gia Cục Tác chiến, rồi Cục Đối ngoại của Bộ Tổng tham mưu tại Thủ đô Hà Nội, còn bà vẫn nuôi dạy con ở Hải Phòng. Năm 1961, ông được phân công tham gia chỉ đạo mặt trận Lào. Năm 1966, khi đang là Cục trưởng Cục Đối ngoại, ông có quyết định tăng cường cho mặt trận Bình Trị Thiên, với cương vị Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng mặt trận Trị Thiên - Huế.

Trong những năm tháng gian khó ấy, bà Huyền vừa một nách nuôi 3 con nhỏ, vừa hoàn thành công việc của một giám đốc vật tư tại thành phố Cảng. Dù tình cảnh nào, bà cũng chỉ có một tình yêu duy nhất, mãnh liệt với ông. Mãi đến năm 1968, ông được điều ra làm Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, ông bà mới được gần gũi bên nhau.

“Nhưng trong đời sống riêng của tôi cũng có một nỗi buồn”, ông bồi hồi nhớ lại. Năm 1953, ông bà sinh cô con gái đầu lòng, đặt tên là Đặng Công Khanh. Khi con gái mới được vài tháng tuổi, bà phải xa con để đi học trường Đảng Lê Hồng Phong, còn ông chuẩn bị đánh trận Cát Bi (7/3/1954) nổi tiếng. Sau trận đánh đó, ông lên làm Trung đoàn trưởng ở quân khu. Nhiều đêm ròng ông nghĩ: “Con không thể nào theo mình lên quân khu được, mà để con ở lại thì thiếu thốn, khó khăn”. Giữa nhiệm vụ và con, cuối cùng ông phải gửi con nhờ dân nuôi.

Khi trận Điện Biên Phủ thắng lợi, Tỉnh ủy báo tin con gái ông đã không còn. “Đang bữa trưa, tôi thẫn thờ, đôi đũa trên tay rơi xuống. Tôi ra đứng ở sân mà khóc, bấy giờ con mới được 9 tháng tuổi... Mấy lần đi thăm bà ấy mà tôi đều giấu chuyện con. Tôi sợ bà ấy đau và thấy mình như kẻ có tội. Đến tận khi ta về tiếp quản Thủ đô, trận Cát Bi được tuyên dương, tôi chỉ huy 6 khối duyệt binh thì bà ấy đi xem. Duyệt binh xong, vợ chồng gặp nhau, tôi vẫn giấu việc con gái nhưng có lẽ linh cảm người mẹ nên bà ấy đã biết, vợ chồng chỉ biết khóc thôi. Đến tận bây giờ, trong mấy đứa con, tôi vẫn thương nhất  Khanh. Nó là nỗi đau, là nỗi day dứt lớn nhất của cả cuộc đời tôi. Tôi vẫn thấy mình có tội với con, với bà ấy nên lúc nào tôi cũng nhường, cũng nhịn và nghe theo để làm bà ấy vui lòng”, vị tướng già nghẹn ngào lau nước mắt.

Với ông, bà là người phụ nữ quan trọng và ý nghĩa nhất của cuộc đời. Cho tới ngày hôm nay, sau 60 năm nên nghĩa vợ chồng, những cử chỉ ân cần, dịu dàng vẫn được ông bà dành cho nhau. Xây dựng gia đình dựa trên nền tảng của yêu thương, tôn trọng, thông cảm với nhau là bí quyết để ông bà có được hạnh phúc bền lâu.
Kênh giải trí - Xã hội - Tin tức

Không có nhận xét nào