Header Ads

test

Mới: Tiểu thuyết "Không phải huyền thoại': Một chân dung khác về Đại tướng

Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ: "Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều người nhận xét ông là một
huyền thoại..."
Tiểu thuyết "Không phải huyền thoại': Một chân dung khác về Đại tướng 
Bìa cuốn sách “Không phải huyền thoại” của Hữu Mai.


Người đọc từng biết đến hình ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh qua những văn bản lịch sử, những hồi ký và những thước phim tư liệu. Song phải đến tác phẩm “Không phải huyền thoại” của nhà văn Hữu Mai, chân dung của ông mới hiện lên một cách trọn vẹn với tư cách là nhân vật văn học. Nhà thơ Hữu Việt - con trai nhà văn Hữu Mai đã hé lộ nhiều chi tiết bất ngờ khi xuất bản cuốn sách nổi tiếng này.
Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ: Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều người nhận xét ông là một huyền thoại. Các sử gia phương Tây cũng bày tỏ sự tôn kính với ông. Thế nhưng, tựa đề cuốn sách của nhà văn Hữu Mai viết về Đại tướng Tổng tư lệnh trong chiến dịch Điện Biên Phủ lại mang tên: “Không phải huyền thoại”. Theo nhà thơ Hữu Việt, nói về vai trò hiển hách của ông trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thì ông đúng là huyền thoại. Nhưng trong cuốn sách này, chân dung của ông hiện lên như một nhân vật văn học, bình dị mà cao quý, vĩ đại mà giản dị với những quyết định khó khăn nhất để chúng ta có được chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hữu Mai là nhà văn quân đội với hơn 60 đầu sách đã được in. Ông cũng là người thể hiện 5 cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gồm: “Từ nhân dân mà ra” (1966), “Những năm tháng không thể nào quên” (1970), “Chiến đấu trong vòng vây”(1995), “Đường tới Điện Biên Phủ “(1999), “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” (2000). Tuy nhiên, phải đến tác phẩm “Không phải huyền thoại”, chân dung của Đại tướng mới hiện lên như một nhân vật văn học trọn vẹn.

Theo nhà thơ Hữu Việt, “Không phải huyền thoại” được cha anh viết trong vòng 3 - 4 năm cuối đời, khi mà ông luôn nghĩ mình còn khỏe mạnh, dồi dào sự sáng tạo. Nhưng đời người hữu hạn, ông vĩnh viễn ra đi năm 2007. Sau khi cha mất, Hữu Việt đã soạn lại tư liệu và tìm thấy bản thảo hoàn chỉnh của cuốn sách từ máy tính của cha mình. Cuốn sách không cần phải chỉnh sửa gì thêm, được chuyển cho nhà xuất bản. Anh chia sẻ, trước đó đã có nhiều cuốn sách, trong đó xuất hiện nhân vật văn học là Đại tướng Tổng tư lệnh, nhưng đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử tư liệu đầu tiên viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra hai vấn đề mà cho đến bây giờ người ta vẫn còn tiếp tục nghiên cứu: Tại sao lại là Điện Biên Phủ? Tại sao quân đội Việt Nam và quân đội Pháp lại đưa nhau lên tận Tây Bắc để mở ra trận quyết chiến lịch sử? Từ đó, người đọc có thể tìm hiểu thêm về thiên tài quân sự của Đại tướng cùng với nghệ thuật chiến tranh nhân dân mà Đại tướng vận dụng rất sáng tạo trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuốn sách được thể hiện dưới ngôn ngữ văn học nên người đọc có thể tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau của lịch sử và những người làm nên lịch sử.

“Đây chắc chắn chưa phải cuốn sách cuối cùng mà bố tôi dự định viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, do giới hạn khắc nghiệt của thời gian, ông đã không còn trên dương thế để viết tiếp những cuốn sách đó. Nhưng tôi hy vọng rằng, những thế hệ sau, bằng tài năng và tâm huyết của mình, sẽ làm tiếp công việc này. Bởi vì chắc chắn chúng ta còn những tư liệu khổng lồ về Đại tướng cần được khai thác, khám phá. Tôi nghĩ sẽ có nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu tiếp tục viết về cuộc đời và sự nghiệp vị Đại tướng của nhân dân. Để chúng ta có một bức chân dung đầy đủ về một nhân vật kiệt xuất của đất nước Việt Nam, về người được vinh danh là một trong những danh tướng vĩ đại nhất trong thế kỷ XX”, nhà thơ Hữu Việt chia sẻ.
Kênh giải trí - Xã hội - Tin tức

Không có nhận xét nào