Header Ads

test

Muối: Nên ăn bao nhiêu là đủ?

Nếu mỗi người giảm lượng muối xuống dưới 6g/ngày, mỗi năm có thể giảm 70.000 ca đột quỵ, nhồi
máu cơ tim.
Cá không ăn muối cá ươn/Người không ăn muối cũng…. ươn như thường. Xin tạ lỗi cùng người xưa đã tự ý cải biên câu tục ngữ xưa vì chỉ muốn nói lên vai trò của muối. Trong cơ thể, muối ăn sẽ kiểm soát lượng nước và duy trì sự cân bằng dịch giữa các tế bào và dịch cơ thể. Muối cũng tham vào các hoạt động của cơ, muối cũng là thành phần chính của huyết tương và các dịch tiêu hóa.

Muối rất quan trọng với tế bào

Cơ thể chúng ta được cấu tạo từ những tế bào. Trong cơ thể người trưởng thành có khoảng 200.000 tỉ tế bào (200 trillions cells). Trên mỗi tế bào có một dòng điện cực nhỏ với cường độ -70 MV (âm) chạy qua. Trên bề mặt tế bào có những cái “bơm” để bơm các ion dương hoặc âm ra hoặc vào thành tế bào sao cho tế bào luôn duy trì điện thế -70 MV. Muối ăn là sự kết hợp của ion dương sodium (Na+) và ion âm chloride (Cl-). Do tế bào tích điện âm nên đã thu hút các ion dương, tức Na+, riêng ion âm Cl- vì “cùng hệ” nên bị thải ra ngoài theo nước tiểu.

Tới đây, chúng ta hiểu rằng nếu không có muối, tế bào không duy trì điện thế -70 MV , vì thế người không có muối cũng... ươn như thường.

Không cho trẻ ăn quá nhiều muối

Nếu ăn quá nhiều muối, cơ thể sẽ bị tích tụ nước và tổng thể tích dịch của cơ thể sẽ gia tăng một cách đáng kể. Các nhà khoa học tin rằng đây là một trong những nguyên nhân gây cao huyết áp với hậu quả cuối cùng là bị “dính” các bệnh tim mạch, đột quỵ… Hơn nữa, với một thể tích lớn của dịch cơ thể cứ “lảng vảng” xung quanh não, lâu dần các mạch máu não cũng bị “xuống cấp”. Nếu lượng dịch dư thừa của cơ thể “lai vãng” đến tim, không chóng thì chày cũng sẽ dẫn đến các bệnh mạch vành.

Người lớn có khả năng “hóa giải” một phần nào lượng muối thặng dư nhờ thận, trong khi đó, trẻ sơ sinh thì quả thận chưa được phát triển hoàn chỉnh nên không thể đào thải lượng muối ăn dư thừa. Nếu trẻ em dưới 4 tháng tuổi, lượng muối thặng dư sẽ tích lũy trong cơ thể gây nên các chứng bệnh về thận, gan, tổn thương não và trong một vài trường hợp có thể tử vong. Vì vậy cần chú ý không cho trẻ em ăn uống thực phẩm có chứa quá nhiều muối.

Một khi lượng muối bị thặng dư, nó sẽ đi vào dịch cơ thể, vào cả trong máu. Khi lượng muối trong máu quá cao thì nước trong tế bào phải được huy động vào máu nhằm mục đích pha loãng muối. Tế bào mất dần nước nên đòi hỏi phải được cung cấp nước. Điều này cũng giải thích tại sao ăn mặn thì khát nước.

Coi chừng bị bệnh tiểu đường

Ăn uống quá mặn lâu ngày sẽ làm hư hỏng tế bào, làm tế bào suy giảm chức năng. Khi đó bệnh tiểu đường sẽ không mời mà đến. Để đơn giản, ta hình dung trên tế bào có những “lỗ khóa” và chỉ có đúng “chìa khóa” mới có thể mở được nó để đưa dinh dưỡng vào nuôi tế bào. Nếu ăn quá nhiều muối, những “lỗ khóa” trên màng tế bào không còn như xưa nữa, nên chìa khóa không thể đưa vào. Khi ăn, thức ăn sẽ phân hủy thành các phân tử đường làm nguồn năng lượng nuôi sống tế bào. Những phân tử đường này muốn vào trong tế bào thì phải nhờ insulin làm cái “chìa khóa”. Rủi thay do ăn quá mặn, các “lỗ khóa” bị biến dạng nên “chìa khóa” insulin mở không ra. Đến nước này cơ thể vẫn có đường nhưng tế bào vẫn bị đói quay đói quắt. Lượng đường trong máu không được hấp thu vào tế bào, dẫn đến bệnh tiểu đường.

Như trên đã nói, người bị thiếu muối cũng “ươn”. Mặc dù trường hơp này hiếm nhưng vẫn xảy ra và mức độ nguy hiểm cũng không thua gì dư muối. Thiếu muối sẽ gây ra sự xáo trộn cơ thể. Triệu chứng thấy rõ nhất là co bắp thịt, đau cơ, uể oải, buồn nôn,… Thiếu muối cơ thể thường xảy ra với những người tiết nhiều mồ hôi hoặc tập thể thao nặng, lao động chân tay nặng nhọc hoặc những người sống ở những vùng khí hậu không thích nghi. Trong những trường hợp này, cần phải bổ sung thêm muối để bù lại lượng muối bị mất đi theo mồ hôi.
Kênh giải trí - Xã hội - Tin tức

Không có nhận xét nào